Thực lực Cách,_Tả_ngũ_doanh

Lực lượng của Cách, Tả ngũ doanh bấy giờ rất đáng kể, tấu sớ của An Huy tuần phủ Trịnh Nhị Dương nói: "Sự giảo hoạt ngang ngược của Cách, Tả không kém gì Hiến, Tháo, lực lượng thiện chiến không chỉ có mấy vạn." Bọn họ chủ yếu cậy vào dãy núi Đại Biệt (sử gọi là vùng núi Anh, Hoắc), triển khai đấu tranh. Nơi này hình thế hiểm yếu, có vị trí chiến lược quan trọng: mặt đông uy hiếp Nam Kinh, hướng đông bắc là Hoàng lăng ở Phượng Dương, mặt tây không xa là khu vực hoạt động của nghĩa quân Trương Hiến Trung, La Nhữ Tài, có thể hô ứng với nhau [5].

Phương thức tác chiến của Ngũ doanh linh hoạt, cơ động, khiến cho quan quân thường xuyên rơi vào thế bị động. "Hồi, Cách khéo cấu kết với dân địa phương làm gián điệp, sử dụng phần nhiều là những lưu dân làm nghề bói toán, buôn bán" [6]. "Quan binh nhiều thì trốn tránh, ít thì đón đánh. Càn quét nơi núi non thì bất ngờ xông ra cửa Giao (Nguyên văn: Giao quan [7]), đến khi bày trận nơi đồng bằng thì dựa vào rừng rú rậm rạp" [8]. "Giặc làm chủ, binh ngược lại phải làm khách, nên nhiều lần thất bại" [6].

Nhà Minh vì bảo vệ Nam Kinh và Phượng Dương, lấy bọn Chu Đại Điển, Sử Khả Pháp tập kết quân đội, tăng cường phòng thủ. Thành ra, bọn họ còn có tác dụng khống chế một bộ phận quan quân, cũng có thể nói là chi viện cho các cánh nghĩa quân khác.